NGHIỆM THU ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ NĂM 2020 CỦA TS. ĐỖ THỊ TƯƠI

Đăng vào 25/06/2021 00:00

NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ NĂM 2020 CỦA TS. ĐỖ THỊ TƯƠI

          Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm học 2020, vào lúc 14h00 Thứ 6 ngày 25//06/2021, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 do PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu Trưởng nhà trường làm Chủ tịch Hội đồng đã tiến hành nghiệm thu Đề tài “Đổi mới nội dung chương trình môn học giáo dục thể chất cho sinh viên trường đại học luật Hà Nội” Mã số LH-2020-28/ĐHL-HN do TS.Đỗ Thị Tươi làm chủ nhiệm.

          Tham dự buổi nghiệm thu  có: TS.Phạm Thanh Tùng - Trường Đại học TDTT Bắc Ninh (Phản biện 1); ThS.Nguyễn Thu Thủy - Phòng Đào tạo đại học Trường Đại học Luật Hà Nội (Phản biện 2); ThS. Nguyễn Hải Tùng - Bộ môn Giáo dục thể chất; TS.Hoàng Ly Anh - Phòng quản lý khoa học&trị sự tạp chí; các đồng chí ủy viên Hội đồng cùng các thành viên nhóm nghiên cứu.

         Theo nhóm nghiên cứu: Trong các mặt giáo dục, Giáo dục thể chất  có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Nhà trường các cấp thuộc hệ thống quốc dân có trách nhiệm đào tạo những học sinh, sinh viên trở thành nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước Việt Nam trong thế kỷ 21. Với những định hướng phát triển chung đó việc xây dựng, đổi mới hoạt động dạy và học nói chung và môn học Giáo dục thể chất  cũng không nằm ngoài mục tiêu phát triển chung của Nhà trường. Trong đó vấn đề xây dựng, bổ sung cập nhật hay cải tiến chương trình là công việc được quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Qua thực tế giảng dạy cho thấy, mặc dù đã có nhiều cố gắng và có những thành công nhất định tuy nhiên công tác Giáo dục thể chất  ở Trường Đại học Luật Hà Nội còn nhiều bất cập như: Chương trình môn học Giáo dục thể chất  khi áp dụng cụ thể vào điều kiện thực tiễn của trường còn nhiều bất cập; Nhận thức của sinh viên về vai trò và tác dụng của Thể dục thể thao còn chưa đầy đủ; Những điều kiện cơ bản cho hoạt động Giáo dục thể chất và hoạt động thể thao còn thiếu và yếu…trong khi tỉ lệ tuyển sinh cao, chất lượng giờ học Giáo dục thể chất còn mang tính hình thức, thể lực của nhiều sinh viên không đạt quy định theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó công tác Thể dục thể thao ngoại khóa hiện tại còn đang bỏ ngỏ chưa thực hiện được.

 

          Kết quả nghiên cứu của đề tài là nội dung chương trình môn học giáo dục thể chất phù hợp cho sinh viên Trường Đại Học Luật Hà Nội. Quá trình xây dựng đã tuân thủ các quy định sau:tuân thủ tính pháp lý của chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ dựa trên Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT, đồng thời chương trình cải tiến phù hợp với Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14; Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học”;Nghị định số 11/2015/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ và Thông tư số 25/2015/TT-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT quy định về chương trình Giáo dục thể chất bậc đại học; Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 03 năm 2021về Quy chế đào tạo trình độ đại học. Quá trình xây dựng chương trình được tiến hành trong khuôn khổ đảm bảo tính khoa học của tiến trình đổi mới, phù hợp với thực tiễn khách quan trong giáo dục đại học, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn của giảng viên. Nội dung chương trình và mục tiêu của chương trình phù hợp với khả năng tiếp thu của sinh viên, đã xác định những điểm mới trong nội dung cải tiến. Cấu trúc chương trình và thời lượng chương trình đảm bảo tính sư phạm, tính cập nhật.

          Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính thực tiễn và những đóng góp của đề tài, bên cạnh đó cũng đưa ra các nhận xét, góp ý khoa học, thiết thực và cụ thể nhằm giúp cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng khoa học, Chủ tịch Hội đồng kết luận: Đây là đề tài khoa học được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có cơ sở lý luận và thực tiễn đạt chất lượng; các phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục đích, phạm vi nghiên cứu. Xét về nội dung, yêu cầu của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, đề tài đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu của đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Những kết quả mà đề tài đưa ra sẽ là cơ sở để triển khai một cách có hiệu quả trong công tác giảng dạy môn học Giáo dục thể chất cho sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.