NGHIỆM THU ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ NĂM 2018 CỦA TS. ĐỖ THỊ TƯƠI

Đăng vào 15/01/2019 00:00

NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ NĂM 2018 CỦA TS. ĐỖ THỊ TƯƠI

          Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm học 2018, vào lúc 09h00 Thứ 6 ngày 15/01/2019, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2018 do TS. Chu Mạnh Hùng - Phó Hiệu Trưởng nhà trường làm Chủ tịch Hội đồng đã tiến hành nghiệm thu Đề tài “Nâng cao thể lực của SV Trường Đại học Luật Hà Nội thông qua hoạt động GDTC” Mã số LH-2018-32/ĐHL-HN do TS.Đỗ Thị Tươi làm chủ nhiệm.

          Tham dự buổi nghiệm thu  có: TS.Phùng Xuân Dũng - Trường Đại học Sư Phạm TDTT Hà Nội (Phản biện 1); TS.Vũ Phương Đông - Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội (Phản biện 2); ThS. Nguyễn Sơn Tùng - Bí thư Đoàn Thanh Niên Trường Đại học Luật Hà Nội; các đồng chí ủy viên Hội đồng; thành viên nghiên cứu đề tài và các giảng viên Bộ môn Giáo dục thể chất.

          Theo nhóm nghiên cứu: Mục tiêu của giáo dục hiện đại là phát triển con người toàn diện, hội đủ các mặt đức, trí, thể, mỹ. Trong đó, thể chất là tiền đề để tiếp nhận các mặt còn lại và GDTC đóng vai trò tối quan trọng. Theo bản báo cáo Quốc gia về thanh niên Việt Nam do Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện, đã đưa ra cảnh báo: Tình trạng thiếu năng lượng của thanh niên trong độ tuổi 20 - 24 là 22,9%; trong đó nam thanh niên là 17,2% và nữ thanh niên là 27,7%. Về sức bền chung và chỉ số công năng tim trong vận động, thanh thiếu niên của Việt Nam xếp loại rất kém so với thanh thiếu niên Nhật. Như vậy, tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế. Một chỉ số quan trọng nữa là chiều cao trung bình thanh niên Việt Nam cũng rất khiêm tốn. Theo đó, nam thanh niên Việt Nam có chiều cao trung bình đạt 164,4 cm, và nữ chỉ đạt 153,4 cm; thấp hơn 8 cm so với Nhật Bản và 10 cm so với Hàn Quốc. Nếu so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thì thấp hơn 13,1 cm đối với nam và 10,7 cm đối với nữ. Báo cáo cũng cho thấy, tình trạng luyện tập TDTT thường xuyên của thanh niên nước ta đạt tỷ lệ thấp và có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực. Dẫn đến thực trạng nói trên, có phần tác động không nhỏ của việc triển khai bộ môn GDTC trong nhà trường. Hiện GDTC chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Chính việc xem nhẹ bộ môn này trong suốt các cấp học đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển thể trạng, sức khỏe của trẻ, gây mất cân đối, hài hòa giữa phát triển trí tuệ, thể chất và nhân cách học sinh, sinh viên. Nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt là một trong những yếu tố căn bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hình ảnh dân tộc. Do đó, phải đổi mới căn bản công tác GDTC trong hệ thống giáo dục, là vấn đề có tính cấp thiết hiện nay.

         Gần 40 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành Trường Đại học Luật Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo người cán bộ pháp lý chất lượng cao góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Muốn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi Nhà trường cần quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng sinh viên toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Qua thực tế giảng dạy cho thấy, công tác GDTC của Nhà trường còn nhiều hạn chế, nhận thức của sinh viên về vai trò và tác dụng của TDTT còn chưa đầy đủ, những điều kiện cơ bản cho hoạt động và phát triển thể thao còn thiếu và yếu như: Cơ sở vật chất phục vụ cho GDTC chưa được đầu tư đúng mức; Quỹ đất dành cho TDTT chưa đáp ứng yêu cầu;… Trong khi tỉ lệ tuyển sinh cao, nhiều sinh viên mang tư tưởng học đối phó, chất lượng giờ học GDTC còn mang tính hình thức, thể lực của nhiều sinh viên không đạt quy định theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Quyết định số 53/2008/QĐ-BGDĐT).

         Kết quả nghiên cứu của đề tài đã lựa chọn được 08 biện pháp nâng cao thể lực của sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội gồm: Nâng cao nhận thức của  sinh viên về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của môn học GDTC; Đa dạng hóa các hình thức và nội dung tập luyện nội khóa và ngoại khóa; Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc tập luyện và rèn luyện thể lực cho  sinh viên; Tổ chức các CLB TDTT, phát triển phong trào tập luyện và thi đấu trong toàn trường; Tăng cường sử dụng các bài tập phát triển thể lực chung trong mỗi giờ học GDTC; Thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy và tập luyện; Đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và tập luyện; Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá trong giảng dạy. Sau 6 tháng thực nghiệm, 08 biện pháp trên đã chứng minh tính hiệu quả thông qua kết quả kiểm tra thể lực của nhóm thực nghiệm đều cao hơn hẳn nhóm đối chứng ở ngưỡng xác suất thống kê cần thiết.

TS. Đỗ Thị Tươi trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu và trả lời các câu hỏi của Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở

          Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính thực tiễn và những đóng góp của đề tài, bên cạnh đó cũng đưa ra các nhận xét, góp ý khoa học, thiết thực và cụ thể nhằm giúp cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng khoa học, Chủ tịch Hội đồng kết luận: Đây là đề tài khoa học được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có cơ sở lý luận và thực tiễn đạt chất lượng; các phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục đích, phạm vi nghiên cứu. Xét về nội dung, yêu cầu của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, đề tài đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu của đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Những kết quả mà đề tài đưa ra sẽ là cơ sở để triển khai một cách có hiệu quả trong công tác giảng dạy môn học Giáo dục thể chất cho sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.

TS. Đỗ Thị Tươi chụp ảnh lưu niệm với Hội đồng nghiệm thu Đề tài

nghiên cứu khoa học cấp cơ sở