NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ NĂM 2022 CỦA THS. PHẠM NGỌC BÁCH
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm học 2022, vào lúc 09h30 Thứ 6 ngày 18/08/2023, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2022 do PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu Trưởng nhà trường làm Chủ tịch Hội đồng đã tiến hành nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu mối quan hệ giữa kiến thức, thái độ và hành vi tập luyện thể thao với trình độ thể lực của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội” Mã số ĐTCB.32/22-ĐHLHN do ThS.Phạm Ngọc Bách làm chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm có: TS.Phùng Xuân Dũng - Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội (Phản biện 1); TS.Chu Văn Đức - Khoa Pháp luật Hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội (Phản biện 2); TS. Mai Thị Mai - Khoa Pháp luật Hành chính nhà nước (Ủy viên Thư ký); ThS. Nguyễn Hải Tùng - Bộ môn Giáo dục thể chất (ủy viên) cùng các thành viên nhóm nghiên cứu.
Như chúng ta đã biết, tại hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trường học” năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu cần phải thay đổi nhận thức về mục đích, vai trò và tác dụng của giáo dục thể chất, thể thao trường học đối với cả người dạy và người học, để từ đó làm cho tập luyện thể thao trở thành hoạt động vận động không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo.
Thông qua quá trình giảng dạy, kết quả kiểm tra của môn học GDTC trong những năm gần đây, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng trình độ thể lực của sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội còn chưa tốt, tỷ lệ sinh viên đạt theo tiêu chuẩn trình độ thể lực của Bộ Giáo dục&Đào tạo ban hành chưa cao.Về nội dung chương trình môn học Giáo dục thể chất dành cho sinh viên được thiết kế và xây dựng chưa xuất phát từ điều kiện sức khỏe, giới tính, năng lực sở trường và trình độ thể lực của sinh viên; người học không có nhiều lựa chọn đối với môn thể thao và hình thức tập luyện phù hợp với nhu cầu và điều kiện của bản thân; tiêu chí kiểm tra đánh giá được xác định mang tính đồng loạt, vì vậy đối với không ít sinh viên, môn học Giáo dục thể chất trở nên rất khó khăn trong quá trình học tập.
Đề tài “Nghiên cứu mối quan hệ giữa kiến thức, thái độ và hành vi tập luyện thể thao với trình độ thể lực của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội” xuất phát từ góc độ nghiên cứu tìm hiểu thực trạng hiện nay về kiến thức tập luyện thể thao, thái độ tập luyện và hành vi tập luyện thể thao của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội, tiến tới tìm hiểu có tồn tại hay không mối quan hệ tác động giữa kiến thức, thái độ và hành vi tập luyện thể thao đối với trình độ thể lực của sinh viên. Để từ đó đề xuất những biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng tỷ lệ sinh viên chưa đạt tiêu chuẩn trình độ thể lực còn cao như hiện nay.
Đề tài gồm các phần :
Phần I: Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu
Phần II: Các chuyên đề nghiên cứu
Trong đề tài có: 33 bảng, 03 sơ đồ, 66 tài liệu tham khảo và 04 phụ lục kèm theo.
Đề tài đã đánh giá thực trạng các điều kiện đảm bảo tập luyện TDTT của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội; Thực trạng về kiến thức, thái độ và hành vi tập luyện TDTT của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội và đánh giá trình độ thể lực và kết quả học tập của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội; Phân tích mối quan hệ giữa kiến thức, thái độ và hành vi tập luyện TDTT và trình độ thể lực của sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội... từ đó đưa ra và kiểm nghiệm hiệu quả của 04 biện pháp để nâng cao hiệu quả học tập môn học GDTC và tăng cường trình độ thể lực của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội gồm:
1.Tăng cường giáo dục tư tưởng, nhận thức của sinh viên về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của hoạt động tập luyện TDTT;
2. Bố trí giáo viên hướng dẫn cho các buổi tập luyện thể thao ngoại khóa của sinh viên;
3. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất và sân bãi nhà tập cho việc tập luyện thể thao ngoại khóa cho sinh viên;
4. Đưa nội dung đánh giá về thể lực vào công tác kiểm tra kết thúc môn học GDTC
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính thực tiễn và những đóng góp của đề tài, bên cạnh đó cũng đưa ra các nhận xét, góp ý khoa học, thiết thực và cụ thể nhằm giúp cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng khoa học, Chủ tịch Hội đồng kết luận: Đây là đề tài khoa học được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có cơ sở lý luận và thực tiễn đạt chất lượng; các phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục đích, phạm vi nghiên cứu. Xét về nội dung, yêu cầu của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, đề tài đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu của đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Những kết quả mà đề tài đưa ra sẽ là cơ sở để triển khai một cách có hiệu quả trong công tác giảng dạy môn học Giáo dục thể chất cho sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.