BÀI BÁO KHOA HỌC THS VŨ XUÂN THUẤN

Đăng vào 20/10/2018 00:00

NGHIÊN CỨU LỰA CHỌN BÀI TẬP PHÁT TRIỂN THỂ LỰC

CHO ĐỘI BÓNG CHUYỀN NAM SINH VIÊN

ĐẶT VẤN ĐỀ

Môn bóng chuyền hiện đại đòi hỏi vận động viên (VĐV) phải có kỹ thuật hoàn chỉnh, sự phối hợp chiến thuật nhuần nhuyễn và đặc biệt cần có trạng thái thể lực sung mãn. Nâng cao thể lực cho VĐV là một khâu vô cùng quan trọng trong huấn luyện bóng chuyền. Đây cũng là yêu cầu bức thiết với đội tuyển bóng chuyền nam sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, vì một trong những điểm yếu của đội tuyển là yếu tố thể lực. Xuất phát từ những vấn đề đó, nhằm phát triển tố chất thể lực và kĩ thuật chuyên môn cho đội tuyển bóng chuyền nam sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn học bóng chuyền cho sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu lựa chọn bài tập phát triển thể lực cho Đội bóng chuyền nam sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội”.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Thực trạng thể lực đội tuyển bóng chuyền nam sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.

Để lựa chọn các test đánh giá thể lực phù hợp đối tượng nghiên cứu, đề tài tiến hành phỏng vấn các chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, huấn luyện thể thao đặc biệt là huấn luyện bóng chuyền, họ là các giáo viên, huấn luyện viên có trình độ chuyên môn cao

Từ kết quả nghiên cứu trên, đề tài đã chọn 10 test (với tỷ lệ lớn hơn 85%) nhằm đánh giá trình độ thể lực cho VĐV Bóng chuyền nam sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, đó là: Chạy 30m xuất phát cao (giây); Chạy con thoi 4x10m (giây); Chạy rẻ quạt (giây); Ném bóng rổ bằng 2 tay từ sau đầu ra trước (m); Bóp lực kế tay thuận (kg); Bật cao có đà (cm); Bật xa tại chỗ (cm); Nằm ngửa gập bụng 30s (số lần); Chạy 1500m (giây); Đứng dẻo gập thân (cm).

Nhằm đánh giá khách quan thực trạng thể lực của đội bóng chuyền nam sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, đề tài so sánh thành tích của sin viên với tiêu chí rèn luyện thân thể của Bộ Giáo dục & Đào tạo được ban hành kèm theo Quyết định số 53/2008/QĐ-BGDĐT quy định về việc đánh giá, xếp loại thể lực học sinh, sinh viên. Chúng tôi so sánh giá trị trung bình thành tích các test đánh giá thể lực nam sinh viên ở nhóm tuổi 20, vì đa số sinh viên đội bóng chuyền ở nhóm tuổi này.

Kết quả cho thấy thành tích trung bình ở tất cả các test đánh giá thể lực nam sinh viên đội tuyển bóng chuyền trường Đại học Luật Hà Nội so với tiêu chí rèn luyện thân thể của Bộ Giáo dục & Đào tạo (ở nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng) đều ở mức “đạt”. Trong đó cả hai nhóm đều có 03 chỉ tiêu ở mức “tốt” là test chạy 30m xuất phát cao, test bật xa tại chỗ và test chạy con thoi 4x10m. Cá biệt, có sinh viên còn không đạt ở một số tiêu chí. Điều này cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu lựa chọn và áp dụng các bài tập phát triển thể lực cho đội tuyển bóng chuyền nam sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội.

2. Lựa chọn bài tập nhằm phát triển thể lực đội tuyển bóng chuyền nam sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội

Qua nghiên cứ và phỏng vấn các chuyên gia, đề tài lựa chọn được 32 bài tập thể lực ứng dụng trong huấn luyện nhằm phát triển thể lực cho VĐV bóng chuyền nam sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội chia thành các nhóm sau:

Các bài tập phát triển sức nhanh: Chạy 30m xuất phát cao; Chạy 9-3-6-3-; Chạy lao nhanh bắt bóng giáo viên tung; Di động kết hợp lăn ngã cứu bóng liên tục ở các hướng khác nhau do giáo viên tung; Chạy biến tốc đổi hướng theo tín hiệu còi; Nhảy dây tốc độ hai chân; Nhảy dây tốc độ hai chân.

Các bài tập phát triển sức mạnh: Dùng tay kéo dây cao su; Gõ bóng đập đất (nhóm 2 người); Bật nhảy ném bóng qua lưới liên tục; Bật đập bóng treo; Nằm sấp chống đẩy; Bật cóc; Gánh tạ bật nhảy (trọng lượng tạ 30-35kg); Bạt nhảy cao với bao cát hoặc bao chì (buộc ở đùi, cẳng chân, thắt lưng); Nằm ngửa gập bụng; Gập cơ lưng ở tư thế nằm sấp, hai tay sau đầu.

Các bài tập phát triển sức bền: Di động chắn bóng liên tục nhiều lần dọc lưới; Bật nhảy đập, chắn bóng, khi rơi xuống thực hiện ngã lộn sau qua vai, sau đó lặp lại 3-5 lần; Đập bóng nhiều lần do giáo viên tung ở các vị trí khác nhau; Bật nhảy hố cát liên tục 25-30 lần; Bật chắn liên tục có đeo bao chì hoặc cát 3-5kg; Bật chắn liên tục có đeo bao chì hoặc cát; Chạy  1500m.

Các bài tập phát triển mềm dẻo, khéo léo: Các bài tập di động có lăn ngã cứu bóng; Ngồi ngã chuyền bóng chính xác vào tường; Cầm tạ ante 1,5-3kg xoay vai, cẳng tay, cổ tay; Chạy rẻ quạt; Các bài tập ép dẻo hai người.

Các bài tập thả lỏng, hồi phục: Chạy nhẹ nhàng thả lỏng các cơ tay, thân người; Hai người đối diện, một người hơi cúi, thả lỏng vai, người kia cầm tay đồng đội rung lắc thả lỏng; Tự dùng tay xoa bóp các cơ; Tự rung và giữ từng chân.

Sau khi lựa chọn bài tập, đề tài tiến hành thực nghiệm sư phạm để đánh giá hiệu quả của các bài tập trên đến sự phát triển thể lực của VĐV bóng chuyền nam sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội.

Đề tài xây dựng chương trình huấn luyện thể lực cho đội tuyển bóng chuyền nam sinh viên trong 2 giai đoạn tương ứng với học kỳ I và học kỳ II của năm học. Thời gian tập luyện 3 buổi/1 tuần, mỗi buổi tập kéo dài trong khoảng 100 đến – 120 phút.

Đánh giá hiệu quả sau 1 năm thực nghiệm sư phạm

Kết quả cho thấy, qua 1 năm áp dụng các bài tập thể lực vào huấn luyện thể lực cho đội bóng chuyền nam sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội, nhóm thực nghiệm thể hiện sự tăng trưởng rất khác biệt so với nhóm đối chứng ở tất cả các tiêu chí đánh giá (ttính > t0,05 = 2.201). Ngược lại, nhóm đối chứng mặc dù có sự tăng trưởng nhất định về các tiêu chí thể lực nhưng mức tăng trưởng rất hạn chế và không có ý nghĩa thống kê (ttính < t0,05 = 2.201). Kết quả này cho phép bước đầu khẳng định mức độ phát triển thể lực của nhóm thực nghiệm tốt hơn so với nhóm đối chứng.

Sự thay đổi đó thể hiện qua thành tích kiểm tra của sinh viên ở các test thể lực. Qua các test kiểm tra, nhóm thực nghiệm có thành tích trung bình cao hơn nhóm đối chứng ở tất cả các chỉ số. Sự chênh lệch ở hai nhóm rất rõ ràng và có ý nghĩa thống kê ở ngưỡng xác xuất P < 0.05.

Khi so sánh với tiêu chí rèn luyện thân thể, thành tích trung bình ở tất cả các test đánh giá thể lực nam sinh viên đội tuyển bóng chuyền trường Đại học Luật Hà Nội (nhóm thực nghiệm) qua một năm tập luyện so với tiêu chí rèn luyện thân thể của Bộ Giáo dục & Đào tạo đều ở mức “tốt”.  Ở nhóm đối chứng chỉ có 03 chỉ tiêu ở mức “tốt” là chạy 30m xuất phát cao, bật xa tại chỗ và chạy con thoi 4x10m; 02 chỉ số vẫn dừng ở mức “đạt” là bóp lực kế tay thuận và nằm ngửa gập bụng và chạy tùy sức 5 phút.

KẾT LUẬN

Qua một năm áp dụng kế hoạch huấn luyện mà đề tài xây dựng, thể lực của VĐV bóng chuyền nam sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội phát triển tốt. Thành tích trung bình ở tất cả các test đánh giá thể lực nam sinh viên đội tuyển bóng chuyền trường Đại học Luật Hà Nội đều tăng trưởng rõ rệt. Các chỉ số thể lực của sinh viên so với tiêu chí rèn luyện thân thể của Bộ Giáo dục & Đào tạo đều ở mức “tốt”. Kết quả trên cho thấy các bài tập phát triển thể lực cho đội tuyển bóng chuyền nam sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội là phù hợp. Đề nghị Bộ môn GDTC trường Đại học Luật Hà Nội triển khai áp dụng hệ thống bài tập phát triển thể lực mà đề tài đã lựa chọn trong huấn luyện đội tuyển bóng chuyền nam sinh viên của Nhà trường.