CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ MÔN GIÁO DỤC THỂ CHẤT TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
1. Vị trí và chức năng
1. Bộ môn Giáo dục thể chất (sau đây gọi tắt là Bộ môn) là đơn vị chuyên môn thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội thực hiện các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn giáo dục thể chất và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và của Trường.
2. Chức năng của Bộ môn Giáo dục thể chất
- Tổ chức và thực hiện hoạt động đào tạo trình độ đại học, sau đại học, bồi dưỡng ngắn hạn và một số hoạt động đào tạo khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của Bộ môn;
- Tổ chức và thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với các lĩnh vực chuyên môn của Bộ môn;
- Quản lý người học theo phân công của Trường;
- Quản lý nội bộ cấp đơn vị;
đ) Thực hiện các chức năng khác theo quy định và theo phân công của Hiệu trưởng.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ môn Giáo dục thể chất
Bộ môn Giáo dục thể chất thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Luật Hà Nội và các quy định cụ thể sau đây:
1. Về đào tạo đại học, sau đại học, bồi dưỡng ngắn hạn và một số hoạt động đào tạo khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của Bộ môn.
a) Chủ trì hoặc phối hợp với Phòng Đào tạo đại học và các đơn vị có liên quan trong việc xây dựng, rà soát, cập nhật và chỉnh sửa chương trình đào tạo, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo của Trường theo phân công của Hiệu trưởng; tham gia xây dựng các quy chế, quy định, quy trình của Trường về đào tạo đại học và một số hoạt động đào tạo khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn theo kế hoạch và phân công của Hiệu trưởng;
b) Phối hợp với Phòng Đào tạo đại học và các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, kế hoạch giảng dạy, đánh giá kết quả của người học trong phạm vi nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ môn;
c) Tổ chức biên soạn đề cương chi tiết các học phần trong chương trình đào tạo đại học, sau đại học, bồi dưỡng ngắn hạn và một số hoạt động đào tạo khác phù hợp thuộc chuyên môn của Bộ môn;
d) Biên soạn và tham gia biên soạn sách, giáo trình, tập bài giảng, tài liệu khác phục vụ hoạt động đào tạo đại học; đề xuất sử dụng giáo trình, học liệu, tài liệu phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học phù hợp với chuyên môn và định hướng phát triển của Bộ môn và của Trường; phối hợp với Trung tâm Thông tin thư viện trong việc phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống học liệu phục vụ đào tạo, nghiên cứu theo lĩnh vực chuyên môn của Bộ môn;
đ) Tổ chức kiểm tra, đánh giá và quản lý kết quả học tập của người học các chương trình đào tạo, trình độ đào tạo và hệ đào tạo theo quy định của pháp luật và của Trường; xây dựng đề thi của các học phần thuộc các chương trình đào tạo gắn với lĩnh vực chuyên môn của Bộ môn; phối hợp với Phòng Đào tạo đại học và Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo và Khảo thí trong việc tổ chức thi theo quy định của Trường;
e) Giải quyết, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người học về công tác thi, kiểm tra và các vấn đề khác có liên quan đến người học thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ môn theo quy định của pháp luật và của Trường;
g) Đề xuất và tổ chức thực hiện các chính sách, biện pháp đảm bảo chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo theo cam kết đã được công bố trong các hoạt động chuyên môn của Bộ môn; tham gia công tác kiểm định, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học, kiểm định, đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo theo quy định, kế hoạch và phân công của Hiệu trưởng;
h) Chỉ đạo, triển khai tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy của các giảng viên Bộ môn; tổ chức nghiên cứu, cải tiến, nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo, phương pháp giảng dạy, học tập;
i) Đề xuất với Hiệu trưởng về các giải pháp, biện pháp phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng các chương trình đào tạo trong lĩnh vực chuyên môn của Bộ môn; đề xuất danh sách giảng viên thỉnh giảng và phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ triển khai ký hợp đồng đối với giảng viên thỉnh giảng; quyết định việc bố trí giảng viên thỉnh giảng đã được phê duyệt tham gia giảng dạy trong các chương trình đào tạo;
j) Phối hợp với Phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk và Cơ sở 2 của Trường thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên giáo dục thể chất tại Phân hiệu theo quy định và phân công của Trường;
k) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác trong lĩnh vực đào tạo theo quy định và theo sự phân công của Hiệu trưởng.
2. Về thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ
a) Phối hợp với Phòng Quản lý khoa học và trị sự Tạp chí, các đơn vị có liên quan xây dựng các giải pháp, biện pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học nâng cao hiệu quả công tác Giáo dục thể chất và Thể dục thể thao.
b) Phối hợp với Phòng Quản lý khoa học và trị sự Tạp chí và các đơn vị có liên quan đề xuất với Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch tổ chức và thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của Bộ môn; xây dựng trình Hiệu trưởng phê duyệt kế hoạch tổ chức và thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ môn (nếu có) phù hợp với kế hoạch chung của Trường; chủ động tìm kiếm, khai thác các nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy và phát triển hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ môn; thực hiện các giải pháp, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực chuyên môn của Bộ môn;
c) Chủ trì tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học cấp Bộ môn, cấp Trường thuộc lĩnh vực chuyên môn của Bộ môn theo kế hoạch hoặc được Hiệu trưởng phân công (trừ những hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học được giao cho các đơn vị khác chủ trì thực hiện); phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học cấp Trường theo phân công của Hiệu trưởng; phối hợp với Phân hiệu trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo kế hoạch và quy định của Trường;
d) Đề xuất, giới thiệu các thành viên tham gia hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, hội đồng nghiệm thu giáo trình, tập bài giảng, sách, tài liệu phục vụ đào tạo, công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học khác, hội đồng lựa chọn giáo trình, duyệt danh mục giáo trình để đưa vào sử dụng chính thức trong Trường theo đề xuất của Phòng Quản lý khoa học và trị sự Tạp chí để trình Hiệu trưởng xem xét, quyết định.
3. Về quản lý người học
a) Phối hợp với Phòng Công tác sinh viên thực hiện công tác quản lý người học theo quy định;
b) Phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc khen thưởng và xử lý kỷ luật đối với người học thuộc nhiệm vụ quản lý của Bộ môn.
4. Về quản lý nội bộ Bộ môn
a) Xây dựng và trình Hiệu trưonwrg phê duyệt kế hoạch công tác hàng năm của Bộ môn; đề xuất lịch công tác, làm việc của lãnh đạo Trường trong lĩnh vực công tác của Bộ môn; xây dựng danh mục công việc, nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của Bộ môn;
b) Xây dựng và trình Hiệu trưởng ban hành và tổ chức thi hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ môn; tổ chức thực hiện các quy định trong lĩnh vực công tác của Bộ môn;
c) Thực hiện công tác quản lý viên chức, người lao động của Bộ môn theo phân cấp, quy định và hướng dẫn của Trường bao gồm:
- Xây dựng, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết và thống nhất trong Bộ môn;
- Đề xuất tuyển dụng hoặc ký kết hợp đồng làm việc đối với viên chức, hợp đồng lao động đối với giảng viên thỉnh giảng theo quy định; đề xuất kiện toàn viên chức lãnh đạo, quản lý; triển khai các bước trong quy trình quy hoạch, bổ nhiệm viên chức lãnh đạo, quản lý trong phạm vi thẩm quyền của đơn vị theo quy định và kế hoạch Trường.
- Tham gia xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực từng vị trí việc làm của Bộ môn; tổ chức phân công công việc theo vị trí việc làm và năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; quản lý thời gian lao động, chấm công đối với các viên chức và người lao động trong Bộ môn theo quy định.
- Kiểm tra, giám sát, phát hiện và đề xuất việc xử lý vi phạm kỷ luật của viên chức hoặc người lao động; rà soát, đề xuất tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động đối với người đang làm việc tại đơn vị theo yêu cầu chung;
- Đề xuất và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên của Bộ môn; tổ chức trao đổi, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong nội bộ đơn vị.
- Tổ chức thực hiện công tác tập sự, thực tập, thử việc của viên chức, người lao động theo quy định; thực hiện phân loại, đánh giá chất lượng viên chức trong phạm vi thẩm quyền của đơn vị; triển khai công tác kê khai tài sản, thu nhập, bổ sung lý lịch viên chức, người lao động trong Bộ môn theo quy định.
- Các nhiệm vụ, quyền hạn khác trong quản lý viên chức, người lao động theo quy định;
d) Thực hiện công tác văn thư, lưu trữ của đơn vị, lập, quản lý và nộp lưu trữ hồ sơ công việc theo quy định;
đ) Quản lý, sử dụng và bảo vệ tài sản, trang thiết bị do Trường cấp hoặc giao; thực hiện các quy định về tài chính của Trường và pháp luật;
e) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê theo quy định hoặc theo yêu cầu của Trường và các cơ quan chức năng có thẩm quyền; chấp hành công tác thanh tra, kiểm tra của Trường và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
g) Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ Bộ môn;
h) Tổ chức triển khai, tổng kết các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, quyên góp ủng hộ… do Trường hoặc các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức phát động theo quy định hoặc phân công;
i) Báo cáo và đề xuất với Hiệu trưởng về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác của Bộ môn;
5. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài Trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ môn và sự phân công của Hiệu trưởng;
6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định hoặc phân công của Hiệu trưởng.
3. Cơ cấu tổ chức và nhân sự của Bộ môn
1. Lãnh đạo Bộ môn: Bộ môn có Trưởng Bộ môn và không quá 02 (hai) phó trưởng bộ môn.
Nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ và trách nhiệm của Trưởng bộ môn, phó trưởng bộ môn thực hiện theo quy định của pháp luật, Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Luật Hà Nội, Quy chế làm việc của Trường Đại học Luật Hà Nội và các quy định khác có liên quan của Trường và các quy định sau đây:
Trưởng bộ môn có các nhiệm vụ, quyền hạn sau :
a) Chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và công việc của Bộ môn; lãnh đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác của Bộ môn trình Hiệu trưởng phê duyệt; chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của Bộ môn;
b) Tham mưu, đề xuất với Hiệu trưởng những quan điểm, chủ trương và giải pháp về định hướng phát triển Bộ môn và Trường; về phát triển chương trình đào tạo, định hướng nghiên cứu khoa học và quản lý người học; về tổ chức bộ máy và nhân sự của Bộ môn; về tuyển dụng, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ viên chức của Bộ môn;
c) Phân công, đôn đốc, theo dõi việc giảng dạy các học phần, môn học thuộc Bộ môn theo kế hoạch và quy định;
d) Đề xuất danh sách giảng viên tham gia các chương trình giảng dạy chất lượng cao, chương trình liên kết đào tạo quốc tế, danh sách giảng viên thỉnh giảng của Bộ môn đề nghị Hiệu trưởng xem xét, quyết định; đề xuất danh sách giảng viên của Bộ môn tham gia thực hiện các nhiệm vụ do Trường hoặc Bộ môn triệu tập;
e) Tham gia tổ chức đánh giá giảng viên tại Bộ môn theo quy định và kế hoạch;
g) Tổ chức xây dựng đề cương chi tiết học phần, môn học; rà soát, đề xuất việc phát triển, đảm bảo học liệu phục vụ công tác đào tạo của Bộ môn;
h) Tổ chức công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học, thuộc trách nhiệm của Bộ môn theo quy định;
i) Tổ chức thực hiện công tác văn thư, lưu trữ tại Bộ môn theo quy định;
k) Phân công công việc hoặc ủy quyền cho Phó trưởng Bộ môn thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định
l) Phân công, chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra, giám sát Phó trưởng Bộ môn, các giảng viên của bộ môn; thực hiện các công việc của Bộ môn và của Trường; quản lý và sử dụng viên chức của Bộ môn theo quy định và phân cấp của Trường; đôn đốc, theo dõi việc triển khai các đề tài, nhiệm vụ khoa học được giao cho Bộ môn hoặc giảng viên của Bộ môn thực hiện; chịu trách nhiệm về công tác đào tạo đại học do Bộ môn phụ trách, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định.
Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác của Trưởng Bộ môn theo quy định của pháp luật, của Trường hoặc theo sự phân công của Hiệu trưởng.
b) Phó trưởng Bộ môn giúp Trưởng Bộ môn lãnh đạo, quản lý, điều hành các hoạt động của Bộ môn theo sự phân công của Trưởng Bộ môn, báo cáo công tác và chịu trách nhiệm trước Trưởng Bộ môn, trước Hiệu trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực công tác, nhiệm vụ được phân công.
2. Viên chức và người lao động
Số lượng người làm việc của Bộ môn bao gồm giảng viên và viên chức, người lao động khác do Hiệu trưởng quyết định.
Việc phân công công tác đối với các giảng viên và viên chức, người lao động khác của Bộ môn do Trưởng Bộ môn quyết định phù hợp với các quy định về vị trí việc làm của pháp luật và của Trường.
4. Trách nhiệm và mối quan hệ công tác
Trách nhiệm và mối quan hệ công tác giữa Bộ môn với Hội đồng trường, Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng, các đơn vị thuộc Trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác được thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Luật Hà Nội, các quy chế, quy định nội bộ của Trường và quy định cụ thể sau:
1. Bộ môn chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo của Hiệu trưởng, của Phó Hiệu trưởng phụ trách đơn vị (nếu có); có trách nhiệm tổ chức thực hiện, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng, trước Phó Hiệu trưởng phụ trách đơn vị (nếu có) và trước pháp luật về kết quả giải quyết công việc được giao.
2. Bộ môn là đầu mối giúp Lãnh đạo Trường thực hiện quan hệ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Trường có liên quan về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ môn.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 2 Quyết định này, nếu phát sinh những vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị khác thuộc Trường thì Bộ môn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị để giải quyết.
4. Khi có yêu cầu của các đơn vị khác thuộc Trường trong việc giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đó mà có liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Bộ môn thì Bộ môn có trách nhiệm phối hợp giải quyết.
5. Trường hợp phát sinh vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc có ý kiến khác nhau giữa Bộ môn với các đơn vị khác thuộc Trường thì Trưởng Bộ môn có trách nhiệm báo cáo Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng phụ trách lĩnh vực, công việc theo quy định.