BÀI BÁO KHOA HỌC THS NGUYỄN SƠN TÙNG

Đăng vào 20/05/2020 00:00

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHÍNH PHÁT TRIỂN THỂ DỤC THỂ THAO

THS. NGUYỄN SƠN TÙNG

Đặt vấn đề

Phát triển TDTT là một yêu cầu khách quan của xã hội nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đạo đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế; đồng thời là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể.

Xây dựng nền TDTT phát triển và tiến bộ, đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo tài năng thể thao gắn kết giữa các tuyến các lớp kế cận, có sự quản lý, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở để phát triển thể thao phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội

Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Phát triển TDTT luôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Công tác TDTT nâng cao sức khỏe cho nhân dân đã được đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. Ngày 27 tháng 3 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố Sắc lệnh số 38 thành lập Nha thanh niên và Thể dục thuộc Bộ quốc gia Giáo dục, đánh dấu sự ra đời của nền TDTT cách mạng Việt Nam. Từ đó tới nay, dù gặp nhiều khó khăn nhưng TDTT nước ta vẫn liên tục có những bước phát triển đáng ghi nhận, góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Đảng, Nhà Nước đã có những chính sách tăng tỉ lệ chi ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng CSVC TDTT; đổi mới phương thức quản lý, phát huy mạnh mẽ chủ trương phân cấp, phân quyền và XHH trong quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động TDTT. Qua đó sự nghiệp TDTT nước ta đã có những bước phát triển mới. Phong trào TDTT quần chúng ngày càng được mở rộng với nhiều hình thức đa dạng, tích cực, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tiêu biểu là phong trào “ Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Những hoạt động TDTT của người cao tuổi, người khuyết tật cũng được quan tâm hơn, thể hiện qua các hội nghị được tổ chức đều đặn hàng năm. Công tác GDTC trong nhà trường cũng có những chuyển biến tích cực cả về hình thức lẫn nội dung. Thể thao thành tích cao đạt được nhiều kết quả, một số môn đã vươn đến trình độ châu Á và thế giới. Hợp tác quốc tế về thể thao được tăng cường, vị thế của thể thao Việt Nam được nâng cao, nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Nhiều đề án phát triển, chiến lược đào tạo VĐV hay các chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ của khoa học vào lĩnh vực TDTT cũng được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua.

Có thể khẳng định, sau thời gian thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, dù còn tồn tại một số vấn đề bất cập, song TDTT Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội và trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta thời gian vừa qua.

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách phát triển TDTT

Các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách công nói chung và chính sách phát triển TDTT nói riêng, bao gồm hệ thống chính trị, các yếu tố bên trong, các yếu tố bên trong cơ quan lập chính sách và các yếu tố bên ngoài. Trong đó các yếu tố bên trong có ảnh hưởng không nhỏ.

Vai trò của công luận và truyền thông là phản ứng, bình phẩm, quan điểm của nhân dân thể hiện dưới hình thức này hay hình thức khác về vấn đề chính sách phát triển TDTT là một kênh quan trọng trong việc tham gia trực tiếp vào các quá trình chính sách phát triển TDTT. Sự tham gia của các chủ thể vào quá trình hoạch định chính sách phát triển TDTT đóng vai trò quan trọng cho các cơ quan lập chính sách đạt hiệu quả cao nhất. Công luận và truyền thông có sự hỗ trợ, cộng hưởng lẫn nhau tạo nên sức ảnh hưởng và lan truyền mạnh đến chính sách phát triển TDTT. Truyền thông là những phương tiện truyền tải, phản ảnh những thông tin hay hiện tượng xã hội nhằm cung cấp những luận cứ khách quan, khoa học để Nhà nước nâng cao tính hiệu quả của việc hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách phát triển TDTT.

 Hệ thống kinh tế của một quốc gia có vai trò quan trọng trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách phát triển TDTT của Nhà nước. Yếu tố kinh tế vừa là mục tiêu chính sách vừa là phương tiện, động lực của chính sách. Chính sách phát triển TDTT phải phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát tiển TDTT. Sự thay đổi của yếu tố kinh tế trong nền kinh tế thị trường hiện nay buộc các nhà hoạch định chính sách phải tính toán xây dựng chính sách đáp ứng yêu cầu vừa giải quyết tình huống mới, vừa lường trước tác động sau này để cho ngành TDTT phát triển theo hướng ngày càng tăng tiến .

Chính sách phát triển TDTT đưa ra những quan điểm phát triển TDTT thể hiện ở năng lực, trình độ quản lý điều hành của Nhà nước cho đến hoạt dộng tham mưu của các chủ thể trong quá trình lập, lựa chọn phương án, xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách phát triển TDTT. Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới số lượng, chất lượng cũng như mức độ về hiệu lực và hiệu quả của chính sách phát triển TDTT. Sự tham gia đầy đủ của các bên chủ thể và quá trình hoạch định xây dựng, thực hiện và đánh giá chính sách phát triển TDTT là bắt buộc và được xem là biện pháp dân chủ, công bằng nhằm lựa chọn đúng đắn các mục tiêu cụ thể với giải pháp, công cụ thực hiện giải quyết các vấn đề của chính sách phát triển TDTT theo mục tiêu đã xác định.